Lịch sử phong trào bảo tồn môi trường sống Bảo_tồn_môi_trường_sống

Trong phần lớn lịch sử loài người, thiên nhiên được xem là nguồn tài nguyên có thể được chính phủ kiểm soát và được con người khai thác sử dụng để thu lại các lợi ích cá nhân và kinh tế. Con người thời ấy chủ yếu nghĩ rằng thực vật chỉ tồn tại để nuôi động vật và động vật chỉ tồn tại để nuôi con người.[2] Giá trị của đất đai chỉ giới hạn ở những tài nguyên mà nó cung cấp như gỗ, đất màu mỡ, và khoáng sản.

Trồng cây là một phần của bảo tồn môi trường sống. Trong mỗi ống nhựa trên hình có trồng một cây thân gỗ cứng.

Trong suốt thế kỷ 18 và 19, các quan điểm xã hội bắt đầu thay đổi và các nguyên tắc bảo tồn lần đầu được áp dụng thực tế tại các khu rừngẤn Độ thuộc Anh. Quan điểm đạo đức về việc bảo tồn bắt đầu phát triển vào giai đoạn này, bao gồm ba nguyên tắc cốt lõi: 1) các hoạt động của con người làm tổn hại đến môi trường, 2) mọi công dân có nghĩa vụ gìn giữ môi trường cho các thế hệ tương lai, và 3) các phương pháp khoa học, dựa trên kinh nghiệm cần được áp dụng để đảm bảo nghĩa vụ này được thực hiện. Ngài James Ranald Martin là một cá nhân nổi bật trong việc thúc đẩy tư tưởng này; ông đã xuất bản một số lượng lớn các báo cáo địa hình y tế làm rõ các thiệt hại do nạn phá rừngnạo vét quy mô lớn gây ra, bên cạnh việc vận động nhiều nơi ở Ấn Độ thuộc Anh thể chế hóa các hoạt động bảo tồn rừng thông qua việc thành lập các Sở Lâm nghiệp.[3]

Ủy ban Thuế vụ Madras bắt đầu các nỗ lực bảo tồn tại địa phương vào năm 1842, dưới sự lãnh đạo của Alexander Gibson, một nhà thực vật học chuyên nghiệp đã áp dụng một cách có hệ thống chương trình bảo tồn rừng dựa trên các nguyên tắc khoa học. Đây là trường hợp quản lý bảo tồn rừng quy mô quốc gia đầu tiên trên thế giới.[4] Toàn quyền Lord Dalhousie đã giới thiệu chương trình bảo tồn rừng lâu dài quy mô lớn đầu tiên vào năm 1855. Mô hình này nhanh chóng lan sang các thuộc địa khác, cũng như sang Hoa Kỳ,[5][6] nơi Công viên Quốc gia Yellowstone được thành lập vào năm 1872 với tư cách là công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới.[7]

Thay vì chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế hay vật chất mà thiên nhiên mang lại, con người bắt đầu nhận thức sâu sắc giá trị của thiên nhiên và sự cần thiết phải bảo vệ nó.[8] Vào giữa thế kỷ 20, các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và Anh đã ban hành các bộ và điều luật nhằm đảm bảo những môi trường có nhiều mỹ quan và đang trong tình trạng nguy cấp nhất sẽ được bảo vệ và giữ gìn cho hậu thế. Ngày nay, với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ và các chính phủ trên toàn thế giới, một phong trào mạnh mẽ đang được huy động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu bảo vệ môi trường sống và bảo tồn đa dạng sinh học.